Xuyên hang Sơn Đoòng vượt “Bức tường Việt Nam” bằng thang
Năm 2018 tour tham quan hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) chính thức khai thác tuyến đi xuyên hang bằng thang sắt vượt qua “Bức tường Việt Nam”- Ảnh: OXALIS
UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu đơn vị khai thác là Công ty Oxalis khi thực hiện tour phải bảo đảm không ảnh hưởng đến môi trường cũng như không gây tác hại đến thạch nhũ của hang Sơn Đoòng.
Việc khai thác cũng phải đúng phương án đã được UBND tỉnh xem xét và phê duyệt như lộ trình, thời gian…
Sở Tài nguyên – Môi trường Quảng Bình đã có báo cáo trình lên UBND tỉnh này, cho biết giải pháp lắp đặt thang trong hang Sơn Đoòng có thể ảnh hưởng đến các quá trình địa chất nhưng không đáng kể.
Thang lắp để vượt “Bức tường Việt Nam” có 3 lỗ khoan dùng chốt giữ đỉnh thang (trong đó có 2 lỗ khoan cũ của các đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh).
Thân thang có một điểm tỳ vào vách bức tường thạch nhũ nhưng được lót bằng đệm cao su để tránh tác động nhiều vào vách.
Đoạn dốc dài 65m phía trên đỉnh thang vẫn dùng dây cho khách leo lên đỉnh “Bức tường Việt Nam”, có 23 lỗ khoan để chốt các móc dây bảo hiểm (trong đó đã có 15 lỗ khoan cũ của các đoàn thám hiểm).
Thang sắt để giúp du khách vượt Sơn Đoòng – Ảnh: OXALIS
Phương án vượt “Bức tường Việt Nam” và đi xuyên hang Sơn Đoòng do các chuyên gia Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đưa ra cho Công ty Oxalis, được lựa chọn tại các vị trí ít ảnh hưởng đến thạch nhũ và môi trường nhất.
Theo Công ty Oxalis, lộ trình thử nghiệm tour mới đi xuyên hang Sơn Đoòng có thời gian là 4 ngày 3 đêm (giảm 1 ngày 1 đêm so với lộ trình cũ) được thực hiện từ ngày 21-5 đến 31-8-2017 với 9 lượt tour và số lượng khách là 188 người đã cho hiệu quả cao.
Chuẩn bị vượt “Bức tường Việt Nam” – Ảnh: Oxalis
Theo cách này, các du khách không phải quay lại đường cũ để ra khỏi hang và điều này được cho khiến họ thoải mái vì chuyến đi không quá dài.
Việc gắn thang lắp ghép để vượt “Bức tường Việt Nam” sẽ phát huy tác dụng trong trường hợp nước lũ dâng đột xuất.
Trong trường hợp này các du khách có thể vượt qua “Bức tường Việt Nam” để thoát ra ngoài mà không phải chờ 3-4 ngày sau cho đến khi nước rút xuống.
Điều này cũng đồng thời giảm thời gian di chuyển khi có sự cố tai nạn xảy ra từ 6 giờ xuống còn 2 giờ để ra khỏi rừng.
Lộ trình xuyên hang cũng nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn tổng thể trên toàn tuyến, giảm thiểu tác động trực tiếp khi khách không phải quay lại đường cũ.