Thẳm Phầy – “Sơn Đoòng” ở Ba Bể
Những vân đá tuyệt đẹp uốn lượn tại trần hang – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Sau hơn 4 tiếng mò mẫm khám phá lòng hang động, chúng tôi cùng gần 10 thanh niên địa phương thực sự bất ngờ bởi vẻ đẹp của hang Thẳm Phầy, có thể xem đây là một “Sơn Đoòng miền Bắc”.
Khi biết chúng tôi chuẩn bị đi Ba Bể để khám phá hang Thẳm Phầy, nhiều cán bộ Tỉnh đoàn và lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn đã hào hứng tham gia. 5g30 xuất phát từ TP Bắc Kạn, sau 2 tiếng chúng tôi đã tới xã Hoàng Trĩ. Sau khi được xe máy đưa từ trung tâm xã đến chân bìa rừng, cả đoàn cuốc bộ, leo núi, vượt suối khoảng 2km.
Đường vào núi chỉ có duy nhất một đường mòn, khá hiểm trở, phải băng qua các nương ruộng của dân, qua các khe suối, cầu tre, lối đi cây cối rậm rạp. Vị trí hang nằm ở lưng chừng núi, nếu không có đích thân bí thư đảng ủy xã và chủ tịch xã dẫn đường thì không thể phát hiện được cửa hang ở đâu.
8g45, chúng tôi tập trung ở cửa hang, bắt đầu hành trình khám phá lòng hang. Từ cửa hang đi xuống sâu khoảng 20m khá trơn trượt bởi dưới là đất, phía trên từ vòm cửa hang nước rỏ xuống liên hồi. Ngay lối dẫn vào trong động là những khối thạch đá có hình thù như hàm răng của một con quái vật khổng lồ, phía dưới là dòng suối ngầm trong lòng hang với độ nông và dòng chảy vừa phải.
Nhìn từ cửa hang, hình ảnh các thạch nhũ với vô số hình dạng tuyệt đẹp, trong khi hai bên lối vào hang là những bờ đá với hình thù đẹp mắt bị biến dạng bởi dòng chảy của thời gian. Vòm hang khá cao và rộng, càng vào sâu càng nhiều đàn dơi bám đen trên nóc vòm. Phía dưới là dòng suối nước trong vắt. Những hình ảnh này không khác gì đã thấy ở Sơn Đoòng.
Lối vào hang Thẳm Phầy nhìn từ cửa hang – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Nhiều khu vực trần hang chỉ cao khoảng 1m khiến cho việc di chuyển khá khó khăn – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Sau những trận mưa, nước từ các vách núi chảy xuống lòng hang khá xiết – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Nguồn nước trong hang Thẳm Phầy hay còn gọi là Hang Lửa là nguồn nước dự trữ khá lớn đối với người dân địa phương – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Dòng suối trong hang rất trong, có đoạn chỉ sâu đến đầu gối, có thể nhìn rõ nền đá trắng muốt ở đáy. Cũng có những đoạn nước sâu quá thắt lưng, dưới đáy chủ yếu là cát. Cả đoàn cứ mò mẫm, lội bì bõm và liên tục những tiếng ồ, à, hét rú lên vì vẻ tuyệt đẹp của thạch nhũ với vô số hình thù cực kỳ sinh động.
Đi sâu vào lòng hang hơn 1km, chúng tôi phát hiện có hai nhánh động, một nhánh động phía trái ăn sâu vào sườn núi, nhánh thứ hai bên phải ăn vào lòng núi và mực nước khá sâu nên cả đoàn chọn đi tiếp theo nhánh bên tay trái. Càng vào sâu trong hang, không khí càng lạnh và rất khó đi, những dải thạch nhũ hình thù kỳ lạ xuất hiện càng nhiều. Nhiều chỗ xuất hiện các mạch nước như thác nhỏ đổ từ trên vách hang xuống…
Sau khi đi thêm khoảng 1km, chúng tôi thấy dòng chảy dưới chân càng xiết, mà trước khi vào hang lại có thông tin sắp mưa, cảnh trong hang cũng không khác nhiều phía ngoài chúng tôi đã qua nên cả đoàn quyết định quay trở ra đề phòng lũ đổ về bất ngờ, trong khi chưa ai quen địa hình trong hang với nhiều ngóc ngách.
Gần 12g trưa quay trở ra cửa hang, gặp chúng tôi, lão nông Hoàng Văn Uyên (hơn 60 tuổi) cho biết ông là một trong số ít những người đã đi gần như hết hang. Theo đó, khoảng 6g tối ông Uyên vào hang và đến sáng hôm sau ông mới ra khỏi hang ở bên kia sườn núi, với chiều dài của động ước khoảng 5-6km.
Hàng nghìn sợi tơ đá bám vào thành hang đâm xuống phía dưới – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Những vân đá uốn lượn do tác động của dòng nước xói mòn – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Càng vào sâu phía trong hang nước càng chảy xiết khiến cho việc di chuyển gặp nhiều khó khăn – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Những măng đá xếp lên nhau kéo dài từ trần hang đâm xuống phía dưới – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Khu vực này thường xuyên có nước đổ xuống sau những trận mưa, trải qua hàng nhiều năm kiến tạo đã tạo ra những hình thù đặc dị – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Những măng đá nhỏ đang trong quá trình kiến tạo, quá trình này có thể kéo dài hàng nghìn năm – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Thảm thực vật phát triển bên ngoài cửa hang – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Trần hang khu vực cao nhất khoảng 20m – Ảnh: Nguyễn Khánh |
Sẽ khảo sát để khai thác du lịch Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hà Văn Trường, giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Kạn, cho biết đầu tháng 8-2016, cơ quan này đã trực tiếp đi khảo sát sơ bộ hang Thẳm Phầy, sau khi có thông tin một doanh nghiệp du lịch từ Hà Nội sẽ tổ chức khai thác du lịch mạo hiểm tại địa phương. Theo ông Trường, Bắc Kạn có rất nhiều các loại hang động, nhưng hiện chỉ mới cho phép khai thác du lịch khoảng 6-7 hang lớn. Cũng theo ông Trường, sau khi cơ quan này có văn bản xin ý kiến, ngày 26-8 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Kạn đã có văn bản đồng ý để Sở VH-TT&DL chủ trì, lập đoàn khảo sát thực địa hang Thẳm Phầy để có đánh giá cụ thể những giá trị thẩm mỹ, cảnh quan, địa chất, địa mạo của hang, từ đó có những đề xuất về khai thác hang Thẳm Phầy cho du lịch. |
“Hang lửa” nhưng bên trong là nước Ông Hoàng Văn Quận (dân tộc Tày) – bí thư đảng ủy xã Hoàng Trĩ – cho biết hang Thẳm Phầy là tên mà xưa nay người dân địa phương vẫn gọi, theo tiếng Tày có nghĩa là “hang lửa”, dù trong lòng hang toàn nước. Theo ông Quận, khoảng 1.400 dân trong xã sử dụng nguồn nước từ hang Thẳm Phầy này là chính, nên việc bảo vệ, giữ gìn nguồn nước là rất quan trọng, vì thế dân trong xã rất ít khi dám “phạm” vào hang. |
ĐỨC BÌNH